Hạt giống khổ qua rừng là loại khổ qua trái siêu nhỏ, có vị đắng đậm, rất giòn và thơm đặc biệt. Ngày còn nhỏ, mỗi lần đi lên rừng lấy củi, tôi và mẹ lại hái những dây khổ qua rừng về để nấu canh.
Tại sao bạn nên trồng khổ qua rừng từ hạt giống
- Cây rau khổ qua rừng có thể trồng quanh năm, đặc biệt là vào mùa mưa
- Có thể thu hoạch lá, ngọn và quả
- Không bị sâu bệnh, rất ít bị ruồi vàng châm chích
- Trái khổ qua rừng tuy nhỏ xíu nhưng rất giòn, vị đắng đậm và thơm, ngon hơn rất nhiều so với khổ qua trái lớn
Cách gieo hạt giống khổ qua rừng
Chọn đất trồng
Rau khổ qua rừng không quá kén đất. Chúng có thể phát triển tốt ở những nơi đất cằn cỗi, nhiều sỏi đá và ít chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu được trồng nơi đất giàu dinh dưỡng và đủ độ ẩm, loại rau này vươn ra rất nhiều ngọn, lá sum xuê và đặc biệt sẽ cho nhiều quả với chất lượng thơm ngon hơn.
Khổ qua rừng là loại rau ưa bóng râm, chúng chỉ cần được chiếu nắng từ 4 giờ mỗi ngày là đủ. Chính vì đặc điểm này, bạn có thể tận dụng những vị trí đất trồng đón được ít ánh nắng mặt trời để gieo hạt.
Vì không cần quá nhiều đất nên bạn hoàn toàn có thể trồng loại rau này trong những chậu nhỏ, thùng xốp hoặc ở những khu vườn chật hẹp mà vẫn có thật nhiều rau quả cho gia đình.
Trước khi gieo hạt, cần bón phân hữu cơ ủ hoai để tăng độ mùn và tơi xốp cho đất. Phân hữu cơ có thể là phân bò, phân gà, phân dê ủ hoai, phân vi sinh, đạm cá, dịch trùn quế hoặc phân bón sinh học.
Cách gieo hạt giống khổ qua rừng để tỷ lệ nảy mầm cao
Hạt giống khổ qua rừng chất lượng tốt sẽ cho tỷ lệ nảy mầm cao và ngược lại.
Hạt giống khổ qua rừng có lớp vỏ khá dày và cứng. Vì vậy trước khi gieo, bạn nên ngâm trong nước lạnh trong khoảng 12 tiếng. Sau khi ngâm xong, hãy gieo hạt vào đất ở độ sâu 3cm, cây cách cây 20cm.
Sau khi gieo, bạn nên tưới nước thường xuyên mỗi ngày 2 lần để cung cấp đủ độ ẩm cho hạt nảy mầm. Hạt giống khổ qua rừng sẽ nảy mầm sau từ 7 đến 10 ngày.
Tưới nước và bón phân
Ngoài việc bón lót phân hữu cơ trước khi gieo hạt, trong quá trình phát triển của cây, bạn nên bón bổ sung các loại phân hữu cơ để cây có đủ dinh dưỡng để nở hoa, kết quả và cho chất lượng quả cao nhất.
Trong giai đoạn này, cây cần những loại phân bón hữu cơ ở dạng dễ hấp thu nhất. Vì vậy, hãy lựa chọn các loại như phân vi sinh, phân bón sinh học, đạm cá, dịch chuối, sau đó pha loãng và phun lên lá kết hợp với tưới xuống gốc.
Bạn nên định kỳ bón thúc cho cây khoảng 30 ngày một lần.
Phòng ngừa sâu bệnh
Một điều khiến cho khổ qua rừng rất đáng trồng vì chúng hầu như kháng được sâu bệnh cực kỳ tốt. Trong quá trình phát triển, nó rất ít bị nấm bệnh, sâu bọ phá hoại. Chỉ đôi khi quả khổ qua rừng bị ruồi vàng châm nhưng số lượng không đáng kể.
Vì trái khổ qua rừng khá nhỏ, chỉ có đường kính từ 2 – 3cm nên nếu bọc bằng bao nilon thì có lẽ tới tết công gô. Thay vì vậy, bạn có thể dùng chế phẩm sinh học EMI – Oil để xua đuổi ruồi vàng đục trái. EMI Oil có thành phần là dầu đậu nành và một số loại tinh dầu, có tác dụng xua đuổi ruồi vàng rất tốt. Hơn nữa, loại này hoàn toàn không độc hại và không cần phải cách ly.
Mua Chế phẩm sinh học EMI – Oil tại đây.
Thu hoạch khổ qua rừng rất thú vị
Đặc biệt hơn khổ qua ta một chút, đó là bạn có thể thu hoạch cả lá, ngọn và quả khổ qua rừng để chế biến thành nhiều món ăn ngon đến xao xuyến tâm hồn.
Để tôi gợi ý nhé.
Ở Tây Nguyên, có một món gọi là lá khổ qua rừng nhúng lẩu bò. Những chiếc lá bánh tẻ và ngọn khổ qua được chần chín tái trong vị ngọt của lẩu bò, vị đắng và thơm hòa quyện sẽ khiến bạn quất sạch cả rổ rau hồi nào không biết.
Hoặc lá khổ qua nấu canh với mì tôm cũng rất ngon, sẽ khiến món mì của bạn đậm chất núi rừng.
Tôi thì thích món quả khổ qua nhồi thịt, nó giòn tan và đắng đậm đà, khi nhai nghe vị đắng xen lẫn cái vị sừn sựt trong miệng, ngon thôi rồi.
Đấy, bạn hãy trồng ngay rau khổ qua rừng đi nhé! Đảm bảo bạn sẽ mê tít.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.