Cách ủ phân hữu cơ từ phân chuồng và rác nhà bếp

cách ủ phân hữu cơ

Phân hữu cơ ủ hoai là phân lành tính. Rau củ quả được chăm bón bằng phân hữu cơ có sức sống khỏe, vị ngon ngọt tự nhiên rất tuyệt vời. Sau đây là cách ủ phân bón hữu cơ từ phân chuồng và rác thải hữu cơ từ nhà bếp để bón cho cây.

Phân hữu cơ ủ hoai là gì ?

Phân hữu cơ ủ hoai là phân bón được làm từ 100% các nguyên liệu hữu cơ như phân gà, bò, dê, lợn, rác thải hữu cơ từ nhà bếp (rau già, vỏ trứng, ruột cá, cơm thừa…) và các nguyên vật liệu thô khác như rơm rạ, vỏ cà phê, vỏ chanh dây, hoa quả hư hỏng…

Không phải mọi vật liệu hữu cơ đều làm nên phân hữu cơ. Bởi vì trong trường hợp các loại rau củ quả vẫn còn tồn dư hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, trừ cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng và các hóa chất bảo vệ thực vật khác thì không được gọi là hữu cơ.

Tuy nhiên trong phạm vi sử dụng trong gia đình, chúng ta vẫn dùng các loại rác thải của ngôi nhà để làm nên phân ủ hữu cơ, dù sao vẫn tốt hơn rất nhiều so với việc đi mua từ bên ngoài.

Chuẩn bị nguyên liệu để ủ phân

Cứ lấy phân chuồng ra rồi phân thành đống ủ thì dễ quá, nhiều người vẫn đang làm thế. Nhưng ủ thế nào để phân thành phẩm cân đối được thành phần dinh dưỡng thì không phải ai cũng làm được. 

Phân hữu cơ ủ hoai chất lượng tốt là phải đảm bảo chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng bao gồm Ni tơ (từ phân động vật, cá, tôm, đậu tương…) và Carbon (từ vỏ cà phê khô, rơm rạ, cỏ khô).

Để ủ phân hữu cơ, chúng ta cần chuẩn bị các nguyên vật liệu như sau :

Nguyên vật liệu tươi (chiếm 50%) : Có thể là rau củ quả hư hỏng, vỏ chanh dây, cỏ tươi, thân cây ngô tươi, thân cây họ đậu…Bạn nên băm các vật liệu này thành các đoạn dài khoảng 20cm nếu như chúng quá lớn.

Nguyên vật liệu khô (25%) : Rơm rạ, vỏ trấu, vỏ cà phê, xơ dừa, mùn cưa, bã cà phê…

Phân động vật (25%) : Phân bò, gà, heo, dê…

Quy trình ủ phân hữu cơ

Bước 1 : Dùng các cành cây khô hoặc các mẩu gỗ nhỏ, hoặc lá khô để lót xuống dưới đáy đống ủ nhằm đảm bảo độ thoát nước.

Bước 2 : Rải nguyên vật liệu

Nguyên vật liệu cần được rải thành từng lớp, đầu tiên là lớp nguyên vật liệu khô, sau đó đến lớp phân động vật, và tiếp đến là lớp nguyên vật liệu tươi, mỗi lớp dày 20cm, lần lượt như vậy cho đến khi đống ủ đạt chiều cao khoảng từ 1m đến 1,2m.

Sau khi đắp đống xong, bạn cần tưới nước để cung cấp đủ độ ẩm cho hệ vi sinh vật phát triển. Chỉ tưới đủ ẩm, không tưới quá nhiều đến nỗi nước tràn ra.

Để đẩy nhanh quá trình phân hủy, có thể bổ sung thêm chế phẩm sinh học Emina chuyên dùng để ủ phân hữu cơ.

Sau cùng, bạn cần dùng bao hoặc bạt đậy lên đống ủ để tránh mưa và lưu ý không đậy quá kín để khí oxi có thể lưu thông vào bên trong đống ủ.

Bước 3 : Đảo đống ủ

Định kỳ cứ 10 ngày một lần, bạn cần mở đống phân ủ ra và dùng xẻng đảo đều. Mục tiêu của bước này là tạo điều kiện cho khí oxi lưu thông vào bên trong đống phân ủ. Khí oxi rất cần thiết cho quá trình hoạt động của hệ vi sinh vật phân giải chất hữu cơ bên trong.

Sau từ 50 – 60 ngày, bạn có thể sử dụng phân hữu cơ ủ hoai để bón cho cây trồng. Phân đã ủ sẽ chứa chất dinh dưỡng hữu cơ dễ hấp thu, không gây hiện tượng nóng và xót phân cho cây, đồng thời các loại bầm bệnh đều được tiêu diệt.

Trong phân ủ hoai, ngoài chất hữu cơ dưới dạng dễ hấp thu còn chứa một thành phần quan trọng đó là nấm đối kháng trichoderma. Đây là loại nấm có tác dụng tấn công và tiêu diệt các loại vi nấm gây bệnh vàng lá, thối rễ ở rất nhiều loại cây như cà chua, ớt, bầu bí…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *