Kỹ Thuật Trồng Cây Tía Tô Bằng Hạt

Cây tía tô có thể trồng quanh năm. Đây là loại rau gia vị có mùi thơm độc đáo, vị ấm. Ngoài dùng làm rau thơm, cây tía tô còn chữa được một số bệnh như đau bụng, giải cảm. Sau đây là kỹ thuật trồng cây tía tô.

1. CHỌN GIỐNG CÂY TÍA TÔ

Cach trong cay rau tia to
Cây tía tô rất dễ trồng

Cây tía tô có thể được trồng bằng hạt hoặc cành già. Tuy nhiên, việc trồng bằng hạt vẫn tốt hơn so với giâm cành vì cây con mọc từ hạt có khả năng sinh trưởng tốt hơn và cho thu hái trong thời gian lâu hơn.

Hạt giống cây tía tô có thể được lấy từ hoa của cây tía tô mẹ hoặc đi mua. Đây là loài hạt giống khá dễ tìm, bạn có thể tìm mua ở bất cứ khu chợ nào.

Cây tía tô có sức đề kháng rất mạnh, vì vậy cây tía tô trồng từ hạt giống tự để giống hoặc hạt giống được chọn lọc do các công ty giống cây trồng sản xuất cũng không có sự khác biệt nhiều.

2. ĐẤT TRỒNG CÂY TÍA TÔ                      

Cây tía tô không quá kén đất. Chúng có thể mọc và lớn lên trên nhiều loại đất khác nhau từ đất phù sa, đất cát, đất bazan…Tuy nhiên, đất càng tơi xốp và càng giàu dinh dưỡng thì cây tía tô càng tươi tốt, nhanh ra ngọn và lá cũng to hơn.

Cây tía tô không chịu được ngập úng. Nếu vào mùa mưa hoặc ở những khu vực đất úng, cần lên luống cao khoảng 15 – 20 cm để đảm bảo thoát nước tốt.

Trước khi trồng rau tía tô, cần cải tạo đất trồng cây. Đất sau khi cải tạo cần bón lót phân hữu cơ đã ủ hoai mục hoặc phân vi sinh, sau đó trộn đều phân vào đất, làm tơi và san phẳng.

Nếu trồng cây tía tô trong chậu hoặc thùng xốp, hãy chọn những chiếc chậu có chiều cao (chiều sâu) ít nhất 25cm để rễ cây có thể đâm sâu xuống. Dưới đáy chậu cần có lỗ thoát nước.

3. GIEO HẠT GIỐNG TÍA TÔ

Hạt giống tía tô không cần phải ngâm ủ mà có thể gieo trực tiếp vào chậu hoặc gieo xuống đất. Chúng ta có thể chọn lựa một trong hai cách gieo hạt:

Cách 1: gieo hạt trực tiếp vào đất. Khi gieo cần đảm bảo hạt cách hạt 20 cm, hàng cách hàng 25cm.

Cách 2: gieo hạt vào bầu ươm cây. Trộn đất với phân hữu cơ theo tỉ lệ 1:1 rồi bỏ vào bầu, nén chặt. Mỗi bầu ươm một hạt giống, sau đó dùng một lớp đất mỏng phủ lên trên. Sau khi cây con có từ 3 đến 4 lá thật thì đem trồng ra vườn hoặc trồng vào chậu.

Sau khi ươm hạt cần tưới nước ngay để hạt có đủ nước để nảy mầm. Bầu ươm cây con cần đặt ở chỗ có ánh nắng nhẹ. Hàng ngày tưới nước để cây lớn dần lên.

4. CHĂM SÓC CÂY TÍA TÔ SAU KHI GIEO TRỒNG

Sau khi cây lớn, cần duy trì tưới nước cho cây 2 ngày một lần.

Làm cỏ: Khi thấy có các loại cỏ dại mọc lên quanh gốc, hãy nhổ bỏ để chúng không cạnh tranh ánh sáng và chất dinh dưỡng với cây.

Bỏ phân: Định kỳ bón bổ sung phân hữu cơ hoặc phân vi sinh mỗi tháng một lần.

5. PHÒNG TRỪ BỆNH HẠI CHO CÂY TÍA TÔ

Hai loại bệnh hay gặp nhất trên cây tía tô là bệnh chết cây đột ngột và bệnh sâu ăn lá.

Bệnh chết cây đột ngột do một loại nấm có tên là Fusarium sp gây nên. Để phòng bệnh này, trước khi trồng cần xử lý đất thật tốt và trong quá trình trồng không được để đất chung quanh gốc cây bị úng nước hoặc bị dí chặt.

Khi thấy lá tía tô cuốn tròn lại mà không xòe như bình thường, thì chắc chắn bên trong chiếc lá đó có sâu non. Bạn cần dùng tay ngắt bỏ chiếc lá bị sâu và giết con sâu bên trong đi. Vì là cây rau gia vị thường xuyên cho thu hái nên chúng ta không nên dùng thuốc trừ sâu mà chỉ nên bắt sâu bằng tay.

6. THU HOẠCH RAU TÍA TÔ

Trong những đợt thu hoạch đầu tiên, chúng ta có thể ngắt ngọn hoặc hái lá. Việc ngắt ngọn sẽ khiến cây đâm ra nhiều ngọn mới.

Tuy nhiên, sau khoảng 20 ngày ngắt ngọn, cây tía tô sẽ trở nên già cỗi và khả năng nảy chồi cũng kém hơn. Lúc này, chúng ta cần cắt cách gốc cây 15cm, sau đó bón thêm phân hữu cơ để chúng sản sinh những chồi cây mới.

Rau tía tô có thể ăn sống, trộn với các loại rau mầm khác để làm món salad. Món lẩu bò nhúng lá tía tô là một món ăn rất ngon, bổ dưỡng và độc đáo của người dân phố núi Gia Lai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *