Trước đây, mỗi lần lên rẫy, mẹ tôi lại hái về một nắm sương sâm lông làm thành món thạch ngọt ngào, mát lịm. Giờ đây, không cần trèo đèo lội suối nữa, bạn hoàn toàn có thể gieo hạt giống sương sâm lông tại nhà.
Hạt giống cây Sương Sâm Lông – Một loại cây làm thạch rất thú vị
Người ta còn gọi Sương Sâm Lông là sâm lông, dây xanh leo, hay đơn giản gọi là sương sâm cho nó gọn. Ngày trước, cây này mọc rất nhiều ở trên rừng, trên rẫy, đặc biệt ở Tây Nguyên và Nam Bộ gặp rất nhiều.
Lá sương sâm sau khi vò nát với nước, chắt bỏ phần bã, sau đó để yên sau một hai giờ là nó đông lại thành thạch, màu xanh ngắt, thơm nồng vị cây cỏ, ăn vào sừn sựt, thanh mát rất tuyệt vời.
Ngày nay, với sự trợ giúp của các loại máy xay sinh tố, bạn chỉ cần mất 5 – 10 phút để chế biến thành công món thạch ngon lành. Cần chi phải mua các loại bột thạch công nghiệp, cần chi phải order đồ uống từ bên ngoài khi bạn đã có một giàn sương sâm ngay trước cổng?
Cây sương sâm lông có tác dụng gì?
Ngon lành là thế, lá sương sâm lông còn có tác dụng cực kỳ tốt đối với sức khỏe.
Theo Đông Y, cây sương sâm lông có tác dụng nhuận tràng, điều trị tình trạng táo bón, thanh nhiệt, tiêu độc, chữa kiết lỵ và nóng nhiệt.
Ngoài ra, loại cây này còn rất tốt đối với những ai đang gặp vấn đề về gan, thận và dạ dày.
Trong lá và dây của sương sâm lông rất giàu các chất dinh dưỡng như sắt, chất xơ, canxi, các loại Vitamin A & C cùng với những dưỡng chất khác như ancaloit, quexitok sterol,… Sử dụng sương sâm lông hàng ngày sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ đường tiêu hóa khỏe mạnh và trẻ trung.
Cách trồng cây sương sâm lông từ hạt giống tại nhà cực kỳ dễ
Chọn vị trí gieo hạt và trồng cây sương sâm lông
Đặc biệt như vậy, gieo hạt giống sương sâm lông tại nhà lại vô cùng đơn giản. Vì đây là loài cây thân leo, nên bạn hãy tận dụng những bờ rào, những cây cao đã già cỗi là bạn sẽ có những giàn sương sâm xanh mướt.
Kỳ công hơn, bạn có thể bắc giàn xịn xò cho chúng leo lên, vừa có rau để dùng, lại vừa có một khoảng vườn thật đẹp để tận hưởng cuộc sống.
Cây sương sâm lông có thể chịu được một phần bóng râm. Vì vậy, nếu như vườn nhà bạn chỉ được chiếu nắng một buổi trong ngày thì hãy tận dùng ngay nhé. Dưới những tán cây cũng là nơi bạn có thể tận dụng để trồng loại dây leo độc đáo này.
Đất trồng cây sương sâm lông cần giàu dinh dưỡng
Vì vốn dĩ là loài cây của núi rừng, nên cây sương sâm lông không quá kén đất. Tuy nhiên, để có một giàn cây xanh mát mắt và có rau dùng hoài, bạn đừng nên tiết kiệm phân bón nhé.
Loại phân bón tốt nhất để trồng cây sương sâm lông tại nhà chính là các loại phân hữu cơ ủ hoai. Có thể là phân bò, phân gà, phân dê, hay bất kỳ loại phân động vật nào, sau đó ủ kỹ trong vòng 2 tháng là bạn đã có thể sử dụng. Hãy bón lót phân hữu cơ vào đất trước khi trồng bất kỳ loại cây nào.
Tôi thường không dùng bất kỳ loại phân hóa học nào trong quá trình trồng trọt, tôi muốn mọi thứ được tự nhiên, như cách mà vạn vật sinh sôi nảy nở theo bản chất tự nhiên của nó.
Bạn có thể xem thêm Cách ủ phân hữu cơ tại đây.
Cách gieo hạt giống cây sương sâm lông chắc chắn nảy mầm.
Đầu tiên, bạn hãy gieo hạt giống sương sâm lông trong nhà để hạt nảy mầm đã. Hãy dùng những chiếc bầu đất có kích thước 5cm x 10cm để gieo hạt.
Đất để cho vào bầu cần được loại bỏ các viên đất to và cứng, sỏi đá, cành cây, sau đó trộn với phân hữu cơ ủ hoai theo tỷ lệ 1:1.
Sau khi cho đất vào bầu, hãy nén nhẹ. Mỗi bầu bạn gieo một hạt giống sương sâm lông, chiều sâu gieo hạt 1cm.
Mỗi ngày tưới nước đều đặn 2 lần để hạt nảy mầm đều nhất có thể.
Sau khi hạt đã nảy mầm, bạn hãy mang bầu ươm ra nơi có ánh nắng dịu nhẹ để cây quang hợp. Khi cây có từ 2 đến 3 lá thật, lúc này bạn nên trồng cây ra ngoài vườn.
Trồng cây ra vườn
Để trồng cây sương sâm lông con ra vườn, đầu tiên bạn hãy dùng cuốc tạo một hố có chiều sâu khoảng 25cm, mỗi hố bón khoảng 1kg phân hữu cơ ủ hoai, sau đó trộn đều đất và phân với nhau.
Dùng tay bóc bầu một cách nhẹ nhàng để không làm vỡ bầu đất, nhẹ nhàng đặt cây vào chính giữa hố, lấp đất lại và nén nhẹ để cây đứng vững.
Sau khi trồng, nên tưới nước ngay để cây không bị héo bạn nhé.
Khoảng cách trồng cây sương sâm nên là hàng cách hàng 1m, cây cách cây 50cm.
Cách chăm sóc cây sương sâm lông sau khi trồng
Tưới nước: Mỗi ngày, bạn nên tưới nước 1 lần để cây không bị héo.
Bón phân: Định kỳ mỗi tháng một lần, bạn hãy bón bổ sung chất dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân hữu cơ như phân vi sinh, phân ủ hoai, đạm đậu tương. Bạn cũng có thể tận dụng rác thải hữu cơ như rau già, bã cà phê, nước vo gạo, nước rửa tôm cá để bón hàng ngày cho cây.
Phòng ngừa sâu bệnh: Cây sương sâm lông rất ít khi bị sâu bệnh tấn công, nên bạn không cần tốn quá nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, nếu vẫn có xuất hiện sâu xanh ăn lá non, hãy tiêu diệt chúng bằng cách phun Chế phẩm sinh học BT – Emi mỗi tuần 1 lần, loại này hoàn toàn an toàn đối với sức khỏe con người và thân thiện với môi trường.
Thu hoạch lá sương sâm lông để làm thạch
Khi cây đã tươi tốt, là lúc bạn có thể cầm rổ ra vườn và thu hoạch lá sương sâm lông. Những chiếc lá già sẽ giàu chất dinh dưỡng hơn, hương vị đậm đà hơn.
Bạn hãy chỉ nên ngắt lá thôi, còn ngọn thì hãy để chừa lại để chúng tiếp tục vươn dài ra nữa nhé.
Chúc bạn trồng cây sương sâm lông từ hạt giống thành công!
Reviews
There are no reviews yet.